So với những vật liệu truyền thống như đá, gạch, gỗ… việc sử dụng kính làm vật liệu thay thế đã góp phần tạo cho những toà nhà văn phòng, cao ốc, chung cư cao tầng, những ngôi nhà phố, biệt thự… kiến trúc hiện đại, không gian mở, thân thiện với môi trường và tính thẩm mỹ cao.
Mỗi loại kính có những đặc tính kỹ thuật khác nhau, giá thành khác nhau. Các loại kính đặc biệt sản xuất bằng công nghệ hiện đại với những ưu điểm nổi trội không còn là độc quyền của những công trình lớn, công trình đặc biệt hay những toà nhà cao tầng nữa. Các loại kính này đi vào từng công trình nhỏ, cả với khối lượng thi công cũng nhỏ.
Trong phạm vi bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kính cường lực là gì và những đặc tính của nó.
Kính cường lực là gì?
Kính cường lực là kính được tôi ở nhiệt độ rất cao và cho nguội nhanh bằng khí để tạo sức căng bề mặt, tăng khả năng chịu lực, chống lực va đập, chịu tải trọng lớn và chống vỡ do ứng suất nhiệt, khả năng bị trầy xước thấp, độ an toàn cao, sức chịu nén bề mặt lên tới 10.000PSI trong khi kính nổi thông thường chỉ chịu được dưới 3.500PSI, do vậy kính cường lực chịu được rung chấn, sức gió lớn và va đập mạnh.
Kính cường lực được sản xuất từ nguyên liệu kính thường tôi ở nhiệt độ 700 độ C và cho nguội nhanh bằng khí để tạo sức căng bề mặt, tăng khả năng chịu lực, chống va đập, chịu tải trọng lớn và chống vỡ. Kính cường lực có thể chịu lực gấp 4-5 lần so với kính thông thường cùng loại, cùng độ dày và kích thước. Khi bị tác động gây vỡ, kính cường lực vỡ thành nhiều mảnh vụn nhỏ như hạt lựu, không gây sát thương cho người sử dụng. Trong khi đó, kính bán cường lực cũng có quy trình tôi luyện như kính cường lực nhưng gia nhiệt và làm nguội theo phương thức riêng, cho phép chịu lực gấp 2-3 lần so với kính thông thường cùng loại.
Trong thành phần của kính thường có tồn tại một lượng rất nhỏ tạp chất Nicken Sulfua không thể loại bỏ được hết, chính tạp chất này qua quá trình tôi kính sẽ bị biến đổi có thể gây nên hiện tượng kính nổ tự phát trong quá trình sử dụng. Vì vậy, nếu điều kiện kinh phí cho phép, nên sử dụng kính cường lực đã được đưa qua thiết bị kiểm tra kính sau tôi (Heat-Soak-Test). Trong quá trình kiểm tra này, những sản phẩm kính lỗi sẽ tự vỡ, giảm thiểu nguy cơ vỡ tự phát khi sử dụng.
Theo: vatlieuxaydung.org.vn